Trong quá trình chăm sóc sầu riêng, giai đoạn làm trái được xem là giai đoạn vô cùng quan trọng, đóng vai trò quyết định chất lượng và năng suất của cả vụ mùa. Rụng trái non là hiện tượng thường gặp trong quá trình nuôi trái, vậy nguyên nhân sầu riêng rụng trái non là do đâu? Mời quý bà con cùng Pucka tìm hiểu cụ thể dưới bài viết sau đây:
1. Rụng sinh lý
Giai đoạn nuôi trái, cây trải qua từ 2 đến 3 đợt rụng sinh lý – vào giai đoạn sau 15 ngày đậu trái, sau 30 ngày đậu trái và sau 60 ngày đậu trái. Tùy vào chất lượng hạt phấn trong quá trình thụ phấn mà quá trình rụng sinh lý này diễn ra mạnh hay nhẹ. Cây thụ phấn không tốt dẫn đến chất lượng trái không đồng đều, trái méo hình thành nhiều thì hiển nhiên cây sẽ tự thải bỏ, lượng trái quá nhiều so với sức nuôi của cây hoặc cây còn non chưa đủ lực mang trái thì cây cũng sẽ đào thải sinh lý. Đối với giai đoạn 60 ngày sau đậu trái do thiếu các chất điều hòa sinh trưởng trong quá trình hình thành và phát triển trái, hàm lượng gibberellin trong hạt sầu riêng thấp nhất cho nên hiện tượng rụng sẽ trái sẽ xuất hiện.
Để hạn chế vấn đề đào thải nhiều trong giai đoạn rụng sinh lý bà con nên lên kế hoạch đi quét phấn trong giai đoạn xả nhụy để giúp quá trình thụ phấn diễn ra tốt hơn, bên cạnh đó nên quan tâm và canh thời điểm bón phân cung cấp thành phần canxi-bo kịp thời để nâng cao chất lượng hạt phấn.
2. Thiếu dinh dưỡng
Nguồn dinh dưỡng ở đây chủ yếu đánh mạnh vào sức cây, khi cây trồng không được cung cấp đủ dinh dưỡng để vừa sinh trưởng vừa sinh sản thì mặc định theo chu kỳ sống cây sẽ ưu tiên sinh trưởng, đào thải hết trái, ngưng sinh sản. Bên cạnh đó, các nguyên tố trung vi lượng như bo, canxi cần cho quá trình tổng hợp hình thành hạt phấn bị thiếu hụt dẫn đến giảm chất lượng của hạt phấn.
Đảm bảo cây đủ sức, đủ lực bước vào giai đoạn làm trái kinh doanh (thông thường cây trồng 4 năm sẽ cho trái). Cơi lá phát triển khỏe mạnh, cây đủ cành đủ dinh dưỡng, không bị các bệnh hại.
3. Do sốc nước
Cây sầu riêng là cây ưa ẩm, cung cấp nước đủ độ ẩm cần thiết (50 – 60%) cây sẽ phát triển tốt, trường hợp vào mùa mưa bão lượng nước nạp vào cây quá nhiều dễ dẫn đến tình trạng trương nước, sốc nước, rễ cây bị ngộp không trao đổi hấp thụ được oxy, cây sẽ suy và dẫn đến tình trạng đào thải. Ngoài ra, vào mùa mưa nguồn đạm từ nước mưa là nguyên nhân cho cây chuyển chiều hướng phát đọt mạnh, quy trình xử lý đọt của cây không kịp thời cây sẽ tự đào thải trái để nuôi đọt mới. Bên cạnh vấn đề đi đọt, nhiều vườn còn gặp tình trạng phun thuốc chặn đọt quá liều, phun dính vào quả cũng gây ra tình trạng tháo khớp rụng hàng loạt.
Để hạn chế, nên tạo mô đất trồng thoát nước tốt, không trồng trũng sâu. Có phương pháp phun thuốc chặn đọt hiệu quả, phun đúng liều đúng lượng.
4. Do sốc nhiệt
Khi thời tiết nắng nóng liên tục, xen lẫn một vài trận mưa trái mùa hoặc do sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm quá cao tạo điều kiện stress nặng làm tăng ABA nội sinh bên trong cây (phản ứng thích nghi của cây). Hàm lượng ABA bên trong lá, quả tăng cao sẽ kích thích sự hình thành tầng rời gây nên sự rụng. ABA còn tác động gián tiếp lên quá trình lão hóa trước trưởng thành và làm gia tăng sự sản sinh ethylene, việc tăng sản sinh ethylene sẽ đánh thức một số gen liên quan đến sự rụng. Đây là nguyên nhân cốt lõi dẫn đến tình trạng rụng bông, trái non hàng loạt.
Để cải thiện bà con nên cung cấp đủ nước cho cây, phun những dòng thuốc chứa thành phần rong biển để mát cây, hạn chế được tình trạng cây bị stress. Có thể dùng những sản phẩm có thành phần auxin để cân bằng lại hormone nội sinh của cây kết hợp phun canxi bo đúng liều lượng để hạn chế phát triển tầng rời, hạn chế được tình trạng rụng trái.
5. Do sâu, bệnh hại tấn công
Thời điểm cây đang mang hoa và trái, bà con chú ý một số sâu bệnh hại tấn công phổ biến như: bọ xít, nhện đỏ, rầy xanh, đặc biệt là bệnh thán thư sẽ làm bông cũng như trái non bị khô, gây rụng không thương tiếc. Sử dụng các hoạt chất như: Mancozeb, Hexaconazole, Phosphonate, … để phun phòng bệnh thán thư và một số loại nấm bệnh khác trước khi nhú mắt cua đến khi đậu trái, định kỳ 7 – 10 ngày/lần. Thời tiết nắng nóng như hiện nay, nhện đỏ tấn công cây trồng rất mạnh, bà con nên thăm vườn thường xuyên để có phương pháp phun phòng ngừa kịp thời và đạt hiệu quả.
Chúc quý bà con thành công!