Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt ra mục tiêu đến năm 2050, Việt Nam trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới; nông thôn không còn hộ nghèo và trở thành “nơi đáng sống”… Xuất khẩu nông sản đạt trên 60 tỷ USD vào năm 2030.

Xây dựng nông nghiệp hiện đại

Chính phủ vừa phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu chung xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa đồng thời phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và trên thế giới, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế – xã hội, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện có hiệu quả các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính.

Chiến lược cũng xác định nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống, vai trò và vị thế của người tham gia sản xuất nông nghiệp; tạo việc làm phi nông nghiệp để phát triển sinh kế đa dạng, giảm nghèo bền vững cho người dân nông thôn, đảm bảo cơ hội phát triển công bằng giữa các vùng, miền; phát triển nông thôn toàn diện, hiện đại gắn với quá trình đô thị hóa, có cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ và tiệm cận với khu vực đô thị.

Cùng với đó, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp, an ninh, trật tự được đảm bảo; phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái có hiệu quả cao, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.

Trang trại chăn nuôi bò sữa hiện đại của Vinamilk tại huyện Yên Định, Thanh Hóa. Ảnh: Minh Thi
Trang trại chăn nuôi bò sữa hiện đại của Vinamilk tại huyện Yên Định, Thanh Hóa. Ảnh: Minh Thi

Đối với từng ngành, lĩnh vực, chiến lược cũng đặt ra những mục tiêu riêng. Cụ thể, đối với trồng trọt: Đổi mới cơ cấu cây trồng và thực hiện chế độ quản lý mục đích sử dụng đất nông nghiệp một cách linh hoạt hơn nhằm phát huy lợi thế là ngành sản xuất chiến lược đảm bảo nhu cầu trong nước và phục vụ xuất khẩu.

Ưu tiên phát triển các cây trồng có lợi thế so sánh và nhu cầu lớn (cây công nghiệp, cây ăn quả nhiệt đới, lúa gạo chất lượng cao…). Có bước đi phù hợp để thúc đẩy phát triển các cây trồng mới có triển vọng như cây dược liệu, cây cảnh, nấm ăn…

Với ngành chăn nuôi, phát triển chăn nuôi công nghiệp áp dụng công nghệ cao tại các trang trại và doanh nghiệp lớn, đồng thời khuyến khích chăn nuôi hộ truyền thống có cải tiến theo hướng chuyên nghiệp hóa, chăn nuôi hữu cơ. Xây dựng các vùng chăn nuôi tập trung xa nơi dân cư tập trung, thuận lợi cho xử lý môi trường và phòng tránh dịch bệnh.

Phát triển ngành thủy sản thành ngành sản xuất chiến lược, đảm bảo nhu cầu trong nước và phục vụ xuất khẩu; trong đó, phát triển ngành nuôi thủy sản theo hướng nuôi tập trung công nghiệp, công nghệ hiện đại với các cơ sở sản xuất quy mô lớn và đối với hộ quy mô nhỏ thì áp dụng công nghệ cải tiến, nuôi hữu cơ, phối hợp nuôi lồng bè, ao hồ tập trung và luân canh/xen canh… ưu tiên phát triển vùng nuôi chuyên canh chính cho các sản phẩm chiến lược như tôm, cá tra; hoàn chỉnh thủy lợi phục vụ thủy sản tại các vùng nuôi chuyên canh…

Nông dân thị xã Kinh Môn (Hải Dương) chăm sóc vườn cây ăn trái. Ảnh: N.C
Nông dân thị xã Kinh Môn (Hải Dương) chăm sóc vườn cây ăn trái. Ảnh: N.C

Xây dựng ngành lâm nghiệp thực sự trở thành một ngành kinh tế – kỹ thuật hiện đại, có hiệu quả cao, nâng cao thu nhập của người dân, góp phần đắc lực vào phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, an ninh nguồn nước, giảm nhẹ thiên tai…

Mục tiêu của Chiến lược đến năm 2030:
– Tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản đạt bình quân 2,5-3%/năm.
– Tốc độ tăng năng suất lao động nông lâm thủy sản đạt bình quân 5,5-6%/năm.
– Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt bình quân khoảng 5-6%/năm.
– Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt trên 60 tỷ USD vào năm 2030.
– Phấn đấu đến 2030, cả nước có ít nhất 90% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Xây dựng nông dân “mở”

Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan, trong bối cảnh thị trường thế giới ngày càng đòi hỏi những tiêu chuẩn khắt khe, để đạt được các mục tiêu đề ra, người nông dân phải hướng đến tư duy sản xuất chất lượng.

“Người nông dân phải mở từ mảnh vườn, thửa ruộng của mình để hấp thụ những tri thức mới, những kiến thức mới; mở lòng ra để kết nối với thế giới bên ngoài, với xã hội rộng lớn, với các doanh nghiệp, các chuyên gia” – Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, ngày xưa chúng ta chỉ nghĩ duy nhất là sản xuất khi tới mùa vụ thì thương lái sẽ tới mua, nhưng tư duy “mở” là phải chủ động, ví dụ như livestream quảng bá sản phẩm và bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử… Bên cạnh người nông dân “mở” thì nông thôn cũng phải mở.

“Đừng nghĩ rằng nông thôn thì chỉ bó hẹp trong suy nghĩ là nông thôn; đô thị thì nghĩ là đô thị. Đừng nghĩ rằng 2 khu vực này có ranh giới, có khoảng cách mà khi mở ra thì không gian người ở nông thôn mới vượt ra tư duy làng xã, vượt ra tư duy địa giới hành chính của mình, ra khỏi “lũy tre làng” để kết nối nông thôn với khu vực đô thị” – ông Hoan nói.

Bởi vì khu vực đô thị chính là nơi tiêu thụ các mặt hàng nông sản. Khi nông dân “mở” ra kết nối được với đô thị thì có thể đưa nông sản của mình ra buôn bán một cách chủ động hơn và đón nhận những tri thức, kỹ năng, sự năng động của người đô thị về làng quê của mình. Mở cũng sẽ tạo môi trường sống cho nông thôn Việt Nam ngày càng văn minh, hiện đại nhưng không mất đi những giá trị cốt lõi, hồn cốt dân gian, bản sắc văn hóa.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, bản thân nông nghiệp, nông thôn có tính giáo dục, ở nước ngoài người ta xem đó là môi trường giáo dục để giữ gìn thế hệ này với thế hệ khác bằng nguồn cội, thế hệ sau tiếp tục giữ gìn giá trị của thế hệ trước.

“Sản xuất nông nghiệp phải theo hướng nền kinh tế xanh, nền kinh tế thích ứng với biến đổi khí hậu, nền kinh tế có trách nhiệm, minh bạch, nền kinh tế có thể định vị được thương hiệu của nông nghiệp Việt Nam, thương hiệu của nông thôn Việt Nam và thương hiệu của nông dân Việt Nam bằng chữ “mở”” – Bộ trưởng Bộ NNPTNT khẳng định.

Theo Dân Việt

Related Posts