Trong bối cảnh giá phân bón tăng cao, việc sử dụng phân bón hữu cơ và ứng dụng công nghệ sinh học IMO vào sản xuất được xem là giải pháp hữu hiệu.
Về xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai), đến ấp Cây Xoài hỏi thăm “đại gia chân đất” Trần Văn Mười với biệt danh Mười Tẻo thì ai cũng biết, bởi độ “chịu chơi” của lão nông này. Ông Mười đang sở hữu hơn 10ha bưởi được ứng dụng canh tác công nghệ sinh học IMO. Mới đây, ông còn mạnh dạn đầu tư hơn 600 triệu đồng để sắm máy bay không người lái phục vụ phun thuốc, bón phân.
Dẫn chúng tôi thăm vườn bưởi xanh mướt, trĩu quả, ông Mười cho biết, trong bối cảnh vật tư nông nghiệp, nhất là phân bón tăng cao, việc sử dụng phân bón hữu cơ và ứng dụng công nghệ sinh học IMO vào sản xuất được xem là giải pháp hữu hiệu. Chế phẩm IMO (vi sinh vật bản địa) là loại chế phẩm được điều chế bằng cách tận dụng các nguyên liệu tự nhiên có sẵn tại địa phương.
Chế phẩm này bao gồm rất nhiều loại vi sinh vật khác nhau tồn tại lâu năm ở môi trường tự nhiên tại địa phương. Các vi sinh vật rất khỏe và có hoạt tính sinh học cao, sống ẩn trong đất, nước… tham gia vào quy trình phân giải chất hữu cơ, biến chất hữu cơ thành CO2 và những hợp chất vô cơ khác, giúp cây trồng tươi tốt, khỏe mạnh.
“Tôi muốn sản xuất ổn định, lâu dài và giữ được giá trị dinh dưỡng của đất nên quyết định đi theo hướng làm nông sản sạch. Sử dụng ứng dụng IMO cải tạo được đất, giúp hệ vi sinh trong đất tốt, ức chế vi sinh có hại cho đất, giảm thiểu thuốc BVTV trong vườn”, ông Mười nói.
Theo đó, bên cạnh phân gà được mua từ các trang trại tại địa phương được ủ với men vi sinh, với triết lý “trả lại cho đất những gì đã lấy từ đất”, ông Mười còn tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp sẵn có trong vườn như bưởi non, bưởi dạt, sả, ớt… để ủ với chế phẩm sinh học IMO tự tạo gồm chuối, sữa chua, cám gạo tạo ra thuốc trừ sâu thảo mộc và phân hữu cơ. Đáng chú ý, toàn bộ quá trình ủ đều được ông thực hiện bằng máy móc như máy tạo oxy để trộn đều các chế phẩm sinh học, máy cày đảo phân…
Theo ông Mười, nhờ cách làm bài bản, khoa học, bưởi phát triển khỏe mạnh, hạn chế sâu bệnh, mẫu mã đẹp, năng suất cao. Hiện bình quân mỗi ha bưởi cho năng suất từ 25 – 30 tấn, đây là năng suất đáng mơ ước của nhiều nhà vườn trong vùng. Ngoài ra, nhờ sản xuất theo hướng sạch, bưởi của gia đình ông còn được các thương lái đến tận vườn thu mua cao hơn giá thị trường từ 20 – 30%. Với giá bán cao, bình quân mỗi năm 1ha bưởi của ông đem lại thu nhập khoảng 500 triệu đồng, trong khi toàn bộ chi phí chăm sóc bưởi chưa đến 100 triệu đồng/ha.
Chuyển dần sang hướng hữu cơ
Do phải chật vật tìm người làm công chăm sóc cho hơn 10ha bưởi của gia đình, cùng với chi phí cho nhân công ngày càng tăng cao nên năm 2021, ông Mười đã mạnh dạn bỏ ra hơn 600 triệu đồng để sắm một chiếc máy bay không người lái (drone) để phun thuốc BVTV, bón phân…
Việc sử dụng drone giúp giảm chi phí, thời gian, nhân công lao động, phân bón trong chăm sóc cây trồng, sức khỏe nông dân được bảo đảm an toàn, tránh tiếp xúc trực tiếp với phân bón, thuốc hóa học…
Theo tính toán của ông Mười, khi sử dụng drone, đã giúp ông tiết kiệm được 20% chi phí công lao động và đảm bảo an toàn sức khỏe. Trong khi đó, cây vẫn phát triển ổn định, năng suất không giảm. Hiện ông Mười đang lên kế hoạch cho quá trình chuyển đổi sản xuất bưởi sang hoàn toàn theo hướng nông nghiệp hữu cơ.
Chia sẻ về thiết bị phun thuốc, bón phân 4.0 của mình, ông Mười nói: “Hiện nay, mỗi khi tới kỳ phun thuốc, bón phân, tôi chỉ tốn khoảng 5 giờ điều khiển drone là có thể tưới hết vườn bưởi của mình. Ngoài những lợi ích về nhân công, thời gian, drone có thể phun thuốc từ trên cao xuống, bao trùm được cây nên lượng thuốc rải đều. Bên cạnh đó, cánh quạt của drone còn có thể đánh đuổi được một số loại côn trùng phá hại, đặc biệt là loài nhện đỏ, “khắc tinh” của cây bưởi”.
Theo Trần Trung