Theo như dự báo thời tiết, năm 2024 là một năm vô cùng khó khăn, do sự kéo dài của hiện tượng El Nino từ năm 2023 đến nay. Nên diễn biến thời tiết hết sức phức tạp và gây nhiều khó khăn cho ngành nông nghiệp, cho sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng nói chung và cây sầu riêng nói riêng.
Nhiệt độ, độ ẩm, chất lượng ánh sáng bị thay đổi là một số nguyên nhân làm cho cây sầu riêng sinh trưởng khó khăn dẫn đến tình trạng mầm hoa không hình thành, rụng bông và trái non hàng loạt.
- Sầu riêng là cây trồng nhiệt đới, ưa khí hậu nóng ẩm, phát triển tốt nhất trong điều kiện nhiệt độ từ 24 – 30oC, sự sinh trưởng của sầu riêng bị giới hạn khi nhiệt độ thấp dưới 22oC hoặc vượt quá 40oC.
- Nhiệt độ ảnh hưởng trực tiếp đến các tiến trình quang hợp, hô hấp, thoát hơi nước, hấp thu nước và dinh dưỡng của cây trồng. Nhiệt độ tăng cao khiến các tiến trình này diễn ra khó khăn, các quá trình này giảm khi nhiệt độ giảm và ngược lại. Khi nhiệt độ tăng cao kèm theo ánh sáng mặt trời với cường độ quá cao sẽ gây tổn thương các tế bào mô trong lá cây, gây cản trở đến việc tổng hợp diệp lục và sự đóng mở của khí khổng, làm cho quá trình quang hợp diễn ra khó khăn, ảnh hưởng đến quá trình tổng hợp chất dinh dưỡng của cây.
- Đối với cây trồng, acid amin là nền tảng của sinh trưởng phát triển, của năng suất và chất lượng nông sản. Cây trồng tổng hợp acid amin từ các nguyên tố quan trọng. Trong đó, cacbon (C) và oxy (O) được lấy từ không khí; hydro (H) được lấy từ nguồn nước có trong đất, tạo thành cacbon hydrat thông qua quá trình quang hợp. Các cacbon hydrat này kết hợp với nguyên tố nitơ (N) cây trồng thu được từ đất, từ đó tổng hợp acid amin bằng con đường trao đổi chất.
- Nắng nóng khiến cho quá trình hấp thu nước và dinh dưỡng để tổng hợp acid amin của cây bị ngưng trệ. Cây trồng thiếu hụt acid amin thường rơi vào trạng thái stress, căng thẳng. Dẫn đễn tình trạng cây xả bớt hoa, trái để tập trung dinh dưỡng duy trì sự sống cho cây.
- Bên cạnh đó, với sự diễn biến phức tạp của thời tiết dễ dẫn đến một số nấm bệnh, côn trùng gây hại cho cây, làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây sầu riêng.
Sau đây là một số biện pháp khắc phục mà PUCKA muốn gửi đến quý bà con nhằm hạn chế tình trạng này:
Che phủ, giữ ẩm, tưới nước đều đặn cho cây sầu riêng:
- Tạo thảm thực vật (thảm cỏ) tự nhiên trong vườn để che phủ, giữ ẩm cho đất. Trồng thêm các loại cây xen canh như: chuối, muồng vàng, cỏ vetiver để cắt tỉa, bổ sung hữu cơ che phủ cho đất.
- Sử dụng các loại vật liệu hữu cơ sẵn có như rơm rạ, cành cây lá khô, xác bã thực vật hoặc vật liệu nhân tạo như màng phủ PE để che phủ giữ ẩm quanh gốc cũng như toàn vườn để hạn chế quá trình bốc hơi nước, duy trì độ ẩm cho đất.
- Tưới nước đầy đủ cho cây sầu riêng, nhất là vào mùa nắng nóng. Sử dụng các biện pháp tưới nước phun sương, tưới phân bổ sung để tiết kiệm nước tưới; đồng thời làm béc trên ngọn phun nước trên tán lá để giải nhiệt cho cây. Thời điểm: buổi sáng (trước 10 giờ sáng) và buổi chiều (từ 4 giờ đến 6 giờ), tránh tưới và phun nước vào buổi trưa nắng sẽ càng làm cây bị sốc hơn.
Bổ sung dinh dưỡng, tăng khả năng chống chịu cho cây:
- Bón nhiều phân hữu cơ để tăng khả năng chống chịu cho cây.
- Phun các dòng phân bón có thành phần rong biển hoặc Acid amin, các chất dễ hòa tan, dễ hấp thu qua lá giúp làm mát cây, tăng khả năng chống chịu trong điều kiện bất lợi, hạn chế tình trạng cây bị stress, sốc nhiệt khi nắng nóng. Sử dụng 1 chai Siêu Amino800 (480ml) pha cho 400 lít nước, phun từ 8 – 15 lít/cây hoặc 1 chai Grofix Chống sốc pha 300 – 400 lít nước.
Phòng trừ nấm bệnh, côn trùng gây hại:
Trong điều kiện nắng nóng, khô hạn nhện đỏ phát triển và gây hại mạnh. Có thể phun Actimax để phòng trừ nhện đỏ. Kết hợp tưới phun sương để duy trì độ ẩm trong vườn giúp hạn chế nhện đỏ sinh sản gây hại. Để phòng trừ nấm bệnh sử dụng 1 chai Greencop pha cho 400 lít nước, tưới cách nhau 4 – 5 ngày.
Trên đây là một số thông tin mà PUCKA muốn gửi đến quý bà con, chúc quý bà con có được một vụ mùa thật bội thu.
Phòng kỹ thuật -Công nghệ PUCKA