Nông dân trên khắp thế giới đang cảm nhận sức nóng của giá phân bón – hiện đã vọt lên mức cao nhất mọi thời đại, gây ra lo ngại về tình trạng thiếu lương thực toàn cầu.
Theo báo Fortune, chỉ số giá phân bón Bắc Mỹ của Green Markets cho thấy giá phân bón tuần trước cao hơn gần 10% so với tuần trước đó, và là mức giá cao nhất từng được ghi nhận. Giá phân bón hiện cao hơn 40% so với thời điểm một tháng trước, trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hôm 24-2.
Giá phân bón tăng cao cho thấy sự phụ thuộc của các trang trại trên thế giới với xuất khẩu phân bón của Nga. Theo dữ liệu từ cơ quan quan sát kinh tế phức hợp, Nga là nước xuất khẩu phân bón hàng đầu thế giới năm 2019, với khối lượng thương mại của phân bón đạt gần 9 tỉ USD.
Nga và nước láng giềng Belarus, quốc gia cũng bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây, là những nhà xuất khẩu chính của một số hợp chất phân bón quan trọng, bao gồm urê và kali.
Việc cắt giảm xuất khẩu các sản phẩm này đã khiến giá phân bón tăng cao. Ngoài ra, giá phân bón tăng cao cũng do giá khí tự nhiên – một nguyên liệu quan trọng để sản xuất phân bón nitơ – tăng cao trong bối cảnh Mỹ cấm nhập khẩu dầu của Nga và châu Âu đang thảo luận về việc ngừng phụ thuộc vào năng lượng của Matxcơva.
Các công ty vận tải biển phần lớn đã ngừng hoạt động ở Nga. Đầu tháng 3-2022, Nga yêu cầu các nhà sản xuất phân bón trong nước giảm xuất khẩu để trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Chi phí phân bón và các mặt hàng nông nghiệp quan trọng khác như lúa mì làm thức ăn cho bò tăng có thể gây ảnh hưởng lớn trên toàn thế giới. Giá cao có thể gây ra những tắc nghẽn nghiêm trọng, làm giảm sản xuất nông nghiệp và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, theo cảnh báo của nhiều nhà kinh tế.
Trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, Tổ chức Lương thực và nông nghiệp của Liên Hiệp Quốc cảnh báo rằng “tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng” đang diễn ra ở hàng chục quốc gia từ Mỹ Latin, Trung Phi, Trung Đông và Trung Á do xung đột và thời tiết thất thường.
Suy thoái kinh tế ảnh hưởng từ chiến sự ở Ukraine có thể làm tăng thêm tình trạng bất ổn này.
David M. Beasley, giám đốc điều hành Chương trình Lương thực thế giới của Liên Hiệp Quốc, trả lời báo New York Times, cho biết mức độ mất an ninh lương thực hiện nay là chưa từng thấy kể từ sau Thế chiến II.
Ukraine và Nga vốn là hai “vựa bánh mì” của thế giới, do đó chiến sự giữa hai nước cũng tác động đến “bàn ăn” của nhiều nước.
Theo Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) của Liên Hiệp Quốc, khoảng 40% lượng lúa mì và ngô (bắp) xuất khẩu của Ukraine dành cho Trung Đông và châu Phi. IFAD lo ngại sự thay đổi lớn về giá các loại cây lương thực có thể ảnh hưởng đến sự ổn định trong khu vực.
Gilbert F. Houngbo, chủ tịch IFAD, nói: “Tôi vô cùng lo ngại rằng xung đột bạo lực ở Ukraine sẽ là một thảm kịch cho những người nghèo nhất thế giới sống ở các vùng nông thôn, những người không thể chịu đựng nổi sự tăng giá của các loại lương thực và đầu vào nông nghiệp”.
Ông Houngbo cho biết IFAD thấy giá cả tăng chóng mặt, và điều này có thể làm leo thang đói nghèo, gây ra những tác động nghiêm trọng đến sự ổn định toàn cầu.
Theo TTO