Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), giá phân bón vừa tăng cao chưa từng có trong 50 năm qua do những diễn biến tăng theo giá thế giới. Nhiều ý kiến đề nghị cấm xuất khẩu phân bón để bình ổn thị trường.
Tăng phi mã, dân giảm sản xuất
Ngày 9-5, ông Nguyễn Văn Dũng (ngụ xã Phú An, huyện Phú Tân, An Giang) cho biết vùng của ông chuyên sản xuất nếp nên khó chuyển đổi sang phân bón hữu cơ. “Lúc trước bao phân bón urê chỉ 300.000 đồng mà bây giờ đã tăng lên 900.000 đồng, tức gấp 3 lần rồi. Còn phân DAP hơn 1 triệu đồng/bao (tăng 2 lần)” – ông Dũng than.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, giá bán lẻ phân bón trên thị trường Mỹ cũng tăng. Tại các tỉnh ĐBSCL tháng 4 vừa qua, giá các loại phân bón đều tăng 1.000 – 1.900 đồng/kg. Đây là đợt tăng thứ 4 liên tiếp.
Giá bán lẻ phân DAP Trung Quốc đã ở mức 1,3 triệu đồng/bao, phân DAP nội địa là 1,1 triệu đồng/bao, phân kali 975.000 đồng/bao, phân urê 910.000 đồng/bao… Theo Bộ NN&PTNT, chi phí phân bón chiếm tới 50% giá thành sản xuất.
Hợp tác xã (HTX) Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An của ông Nguyễn Quốc Cường mỗi năm cung cấp 1.000 – 1.300 tấn rau củ quả xuất đi các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, TP.HCM… Nhưng năm nay ông dự tính chỉ cung cấp 1.000 tấn, ít hơn bình thường.
Ông kể trước đây mất 650.000 đồng/bao phân bón 50kg, giá thành 4.000 – 6.000 đồng/kg. Nhưng giờ giá phân bón gần 1,5 triệu đồng/bao. “Nhà vườn phải tăng giá bán lên 6.000 – 12.000 đồng/kg tùy loại, nhưng phải thuyết phục người mua, đầu mối, khổ sở tranh cãi”, ông Cường nói.
Cho rằng chưa có giải pháp nào cho “êm êm” thị trường phân bón, ông Cường tự lên phương án cho mình: “Nếu giờ giá phân vượt 1,5 triệu đồng/bao, tôi sẽ trồng và sản xuất theo đơn đặt hàng của chuỗi cung ứng, công ty chế biến nông sản, không sản xuất đại trà nữa”.
Với giá vật tư nông nghiệp đầu vào như kiểu này thì nông dân sản xuất nông nghiệp khổ lắm.
Ông Trương Thanh Nhàn (giám đốc HTX nông nghiệp Phú An)
Cần đánh thuế xuất khẩu phân bón
Nhiều lần tiếp xúc cử tri, ông Trương Thành Dãnh, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long, cho hay đồng tình với quan điểm đánh thuế xuất khẩu phân bón và giảm thuế phân bón nhập khẩu, để bà con được lợi từ sự bình ổn thị trường trước nguyên liệu đầu vào khan hiếm.
Trước mắt ông Dãnh cho hay sẽ khuyến khích bà con áp dụng hình thức canh tác tiết kiệm. Ví dụ hồi đó sạ lúa 20kg/công thì bây giờ thay bằng 8-10kg/công, tức vận dụng nhiều mô hình để giảm chi phí phân bón.
Ông Trương Thanh Nhàn – giám đốc HTX nông nghiệp Phú An, huyện Phú Tân, An Giang – kiến nghị Nhà nước phải kiểm soát lại giá phân bón. Thời điểm vào vụ dễ khan hiếm đẩy giá phân bón nên ông Nhàn cho rằng phải hạn chế việc xuất khẩu.
Ông Nguyễn Văn Trải – giám đốc HTX nông nghiệp Tân Cường, huyện Tam Nông (Đồng Tháp) – nhấn mạnh cả thuốc bảo vệ thực vật và phân bón đều tăng giá, chi phí đầu vào sản xuất lúa đã tăng 20% so với trước. Bà con nông dân đã cố gắng tiết kiệm, giảm chi phí lại rất nhiều mới có được lợi nhuận như vậy. Nhà nước cần có chính sách bình ổn giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chứ kiểu này rất khó cho người trồng lúa.
* Ông Phùng Hà (phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam): Trung Quốc áp thuế xuất khẩu tới 110% khi vào vụ Việc áp dụng cứng nhắc thuế xuất khẩu với mức 5% đối với tất cả các mặt hàng phân bón là không phù hợp. Mặt hàng chịu tác động lớn nhất là phân bón NPK hiện đang vừa xuất khẩu, vừa nhập khẩu (năm 2021 xuất khẩu sản phẩm NPK xuất xứ Việt Nam là 362.000 tấn, nhập khẩu là 435.525 tấn), đang áp dụng mức thuế suất là 0%. Áp thuế xuất khẩu 5% chỉ nên áp dụng tạm thời trong những thời điểm nhất định khi nguồn cung thiếu hụt, giá thế giới tăng quá cao. Ở Trung Quốc, năm 2021 và một số năm trước, nước này áp thuế xuất khẩu cho 2 loại phân bón urê và DAP vào thời gian mà người dân nước này sử dụng ít (từ tháng 7 đến tháng 10) với mức thuế xuất khẩu 7%. Còn khi dân vào cao điểm mùa vụ, thuế xuất khẩu lên tới 110%. Hiệp hội phân bón cũng cho rằng mục tiêu tăng thu ngân sách từ phân bón nếu áp thuế xuất khẩu 5% theo như Bộ Tài chính đưa ra là khó khả thi, vì thuế xuất khẩu với urê nếu được áp vẫn không thay đổi, là 5%, còn nguồn thu từ thuế xuất khẩu với phân bón NPK có thể giảm vì số lượng xuất khẩu có thể giảm khi sức cạnh tranh yếu đi. Phân bón vô cơ có nhiều chủng loại, cần đánh giá và áp dụng riêng thuế suất với từng chủng loại. |
Tìm đủ cách giảm chi phí, chờ bình ổn Nhiều nông dân đã chuyển sang dùng phân hữu cơ để giảm chi phí mua đạm urê, NPK hoặc thay đổi cách sản xuất. Như anh Huỳnh Văn Chiến (HTX Thân Thiện, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, chuyên cung cấp bắp đi các tỉnh lân cận) cho hay bình thường để thu trung bình được 1 tạ bắp thì tốn 2 triệu tiền phân. Bây giờ giá lên gấp đôi, là 4 triệu. Trong khi đó, trước đây bắp có giá 4.500 đồng/kg, nay chỉ bán được 5.500 đồng/kg, chứ giá bán không thể gấp đôi. Để tận dụng phân bón, anh Chiến sử dụng phương án trồng “cuốn chiếu”. Tức là thu hoạch bắp xong, xuống giống tiếp 1ha; xen kẽ luân canh với nhau hai vụ màu một vụ lúa để đỡ phân. “Đó là cách làm tạm thời, nhưng tôi mong muốn có giải pháp bền hơn để giúp người dân bình ổn thị trường”, anh Chiến nói. |
Vẫn chờ góp ý đề xuất tăng thuế Theo kế hoạch, dự thảo tăng thuế xuất khẩu phân bón sẽ hoàn thiện sớm nhất để trình Chính phủ trong quý 3 năm nay. Trao đổi với phóng viên chiều 9-5, ông Trương Bá Tuấn – phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính – cho biết đang lấy ý kiến các bộ ngành và địa phương góp ý cho dự thảo nghị định về biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi, trong đó có nội dung đề xuất tăng thuế xuất khẩu phân bón lên 5%. Theo Bộ Tài chính, thời gian qua nhiều quốc gia hạn chế việc xuất khẩu phân bón để giữ ổn định thị trường nội địa. Để góp phần hạ nhiệt giá phân bón trong nước, ổn định nguồn cung, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định thống nhất một mức thuế suất thuế xuất khẩu 5% đối với nhiều mặt hàng phân bón. Bộ Tài chính cho hay phương án này góp phần giữ lại nguồn phân bón sử dụng trong nước, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và doanh nghiệp. Trong khi đó, theo Bộ NN&PTNT, hằng năm Việt Nam sử dụng trung bình trên 10 triệu tấn phân bón sản xuất công nghiệp. Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho hay hiện tại các nhà máy trong nước đã sản xuất được hầu hết các loại phân bón chủ lực như phân lân, phân urê, phân NPK và hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng. Tuy nhiên, các nhà máy sản xuất DAP chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu, trong khi phân kali và phân SA phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nhập khẩu. “Cân đối lượng phân bón xuất, nhập khẩu thì hằng năm Việt Nam nhập khẩu thêm từ 2,7 – 3,5 triệu tấn phân bón vô cơ, trong đó chủ yếu là phân kali (khoảng 1,1 – 1,2 triệu tấn) và phân SA (khoảng 1 – 1,5 triệu tấn). Dự báo thị trường phân bón vẫn diễn biến phức tạp, khó lường về giá và nguồn cung, Bộ NN&PTNT đã đề nghị xem xét áp thuế xuất khẩu đối với các mặt hàng phân bón urê, DAP, MAP và phối hợp với các bộ, ngành có các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với phân urê, DAP, MAP để đảm bảo nguồn cung trong nước trong khi nguồn cung phân bón khan hiếm như hiện nay. “Với trách nhiệm của Bộ NN&PTNT, chúng tôi nhận thấy cần phải có những chính sách nói trên để bình ổn giá phân bón”, cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) Hoàng Trung nói. |
Xuất khẩu phân bón tăng mạnh Trong 4 tháng đầu năm 2022, số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan công bố chiều 9-5 cho thấy Việt Nam xuất khẩu 627.932 tấn phân bón, thu về 412 triệu USD, tăng tới 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời Việt Nam cũng chi tới 595 triệu USD để nhập khẩu 1,252 triệu tấn phân bón trong 4 tháng đầu năm. Trong đó có gần một nửa kim ngạch nhập khẩu là từ thị trường Trung Quốc. Năm 2021, nước ta xuất khẩu 1,3 triệu tấn phân bón, thu về 560 triệu USD nhưng cũng chi tới 1,4 tỉ USD để nhập về 4,5 triệu tấn phân bón các loại. |
Theo Tuổi trẻ Online