Doanh nghiệp cho nông dân vay 50 triệu đồng/ha không tính lãi để đầu tư sầu riêng, việc này giúp hình thành chuỗi liên kết giữa nhà nông và doanh nghiệp.

Thu hoạch sầu riêng
Thu hoạch sầu riêng

Giúp dân có vốn đầu tư

Vừa qua, Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Vạn Hòa (Công ty Vạn Hòa) triển khai chương trình hỗ trợ nông dân vay 50 triệu đồng/ha để đầu tư sầu riêng. Cụ thể, Công ty Vạn Hòa đã thông qua Ngân hàng ACB Đắk Lắk để giải ngân.

Ông Nguyễn Long Đình (ngụ thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar) có hơn 15ha đất trồng sầu riêng tại thị trấn Quảng Phú (Đắk Lắk).

Thông qua các mối quan hệ, ông Đình nắm được chính sách cho vay tiền để đầu tư chăm sóc sầu riêng của Công ty Vạn Hòa. Sau khi tìm hiểu, ông Đình đã ký hợp đồng vay hơn 500 triệu đồng của Công ty Vạn Hòa để thực hiện dự án.

Theo ông Đình chính sách của Công ty Vạn Hòa đưa ra có ưu điểm là hỗ trợ vốn cho bà con, việc này giúp người nông dân tự tin, doanh nghiệp cũng có trách nhiệm hơn. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đại diện cho người nông dân để tìm nơi tiêu thụ chứ người dân không có khả năng này.

z3986740113597_7a15a2a06e4120e943a49a53fd752ea3
Nữ nhân viên của Công ty Vạn Hòa tư vấn về chính sách liên kết của công ty với người dân. Ảnh: Quang Yên.

Đặc biệt, Công ty Vạn Hòa ngoài xuất khẩu sầu riêng cũng triển khai đối với các loại nông sản khác nên người dân có thể liên kết lâu dài. Đây là tín hiệu tốt để người dân yên tâm sản xuất.

“Người nông dân lâu nay chỉ biết sản xuất sao cho cây sầu riêng đạt năng suất cao nhất chứ chưa quan tâm nhiều đến chất lượng và yêu cầu của nước nhập khẩu. Nếu liên kết với công ty thì sẽ có đội ngũ kỹ thuật đến tận vườn thiết lập mã vùng trồng, hướng dẫn các quy định của nước nhập khẩu”, ông Đình nói.

Ông Định cho biết thêm, hiện một số nông dân băn khoăn về mã vùng trồng và doanh nghiệp có hướng phát triển thêm diện tích liên kết hay không để phổ biến cho bà con. “Việc này giúp người dân có định hướng chuyển dịch cây trồng. Hiện nay cà phê, tiêu người dân đầu tư lớn nhưng thu lại không hiệu quả. Chúng tôi cũng đề nghị nhà nước cấm bán những loại thuốc mà Trung Quốc yêu cầu không được sử dụng. Việc này bảo vệ chính người nông dân cũng như sầu riêng của chúng ta để được xuất khẩu bền vững”, ông Đình nói thêm.

Tương tự, ông Y Sân Niê (ngụ Buôn Sang 2, xã Ea H’Đing, huyện Cư M’gar) cũng có hơn 5ha đất, trước đây trồng cà phê nhưng hiện tại đã già cõi, năng xuất thấp nên chuyển đổi qua trồng sầu riêng. Hiện gia đình ông Y Sân đã trồng và có thu hoạch hơn 100 gốc đối với diện tích còn lại mới trồng được 2 năm.

z3986740082262_5aaac9af71728f869a0b27f11870c76c
Người dân khi liên kết với Công ty Vạn Hòa được nhân viên ngân hàng làm thủ tục giải ngân ngay tại hội nghị. Ảnh: Quang Yên.

Theo ông Y Sân người dân chưa nắm được kỹ thuật canh tác sầu riêng. Khi liên kết với công ty thì được hỗ trợ kỹ thuật. Trước mắt, công ty đưa ra chính sách cho người dân vay không lãi để đầu tư sầu riêng là rất tốt.

“Gia đình đầu tư sầu riêng nhưng chi phí ban đầu rất lớn. Với việc vay không tính lãi của doanh nghiệp giúp cho gia đình có một phần chi phí đầu tư. Đặc biệt các hộ vay nhưng sau này 2 bên không thống nhất được giá cả thì người dân có thể bán cho bên khác. Lúc này người dân chỉ cần trả gốc và lãi theo quy định. Đây là quy định rõ ràng, có nhiều cái lợi cho người dân khi liên kết với Công ty Vạn Hòa”, ông Y Sân nhấn mạnh.

Tạo liên kết bền vững

Bà Bùi Thị Thu Phương, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thương mại và Dịch vụ bền vững Tấn Khang (huyện Cư M’gar) cho biết, HTX có hơn 1.000ha sầu riêng của các thành viên.

Theo bà Phương hiện HTX đã thiết lập được 24 mã vùng trồng cho tất cả diện tích sầu riêng của đơn vị. “Khó khăn trong việc thiết lập mã vùng trồng là bà con chưa hiểu rõ về tầm quan trọng của mã số vùng trồng. Đặc biệt thời gian đang gấp rút nên HTX đang cố gắng hoàn thiện hồ sơ để nộp cho Chi cục đưa sang Trung Quốc kiểm tra. Để đẩy nhanh tiến độ hiện HTX liên kết với Công ty Vạn Hòa để có những chính sách hỗ trợ xây dựng mã vùng trồng, đầu tư tài chính cho thành viên. Đây là một cách thức mà doanh nghiệp đồng hành, hỗ trợ bà con trong quá trình sản xuất”, bà Phương nói.

Theo bà Phương, Công ty Vạn Hòa có tiềm lực tài chính mạnh nên đưa ra chính sách cho nông dân vay vốn để đầu tư 50 triệu đồng/ha, không lãi. Hiện chỉ mỗi Công ty Vạn Hòa đưa ra chính sách liên kết như vậy chứ các doanh nghiệp khác không triển khai.

IMG_7583
Bà Hạ Thị Hà Huyền, Giám đốc Vùng nguyên liệu Công ty Vạn Hòa phổ biến các chính sách liên kết giữa doanh nghiệp và người dân. Ảnh: Quang Yên.

“Việc có chính sách liên kết giúp cho những thành viên HTX mới thu hoạch, kỹ thuật chưa vững, sản lượng không đạt thì nguồn vốn này đáp ứng kịp thời những khó khăn ban đầu. Đặc biệt, Công ty Vạn Hòa cũng có những chính sách trợ giá, hỗ trợ làm mã số vùng trồng miễn phí cho người dân.

Công ty Vạn Hòa là một trong những đơn vị mạnh, đã hỗ trợ cho HTX rất nhiều trong thời điểm khó khăn vừa qua. Các thành viên HTX mong muốn bây giờ là giá cả ổn định chứ không chạy theo giá. Thứ nhất là ổn định về mặt kinh tế sản xuất, kỹ thuật sản xuất làm sao đảm bảo được sản lượng và giá. Để liên kết bền vững thì HTX cũng quán triệt người dân làm đúng theo chính sách của công ty cũng như yêu cầu của nước nhập khẩu”, bà Phương nói thêm.

Bà Hạ Thị Hà Huyền, Giám đốc Vùng nguyên liệu Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Vạn Hòa cho biết, trong quá trình tiếp xúc, lắng nghe ý kiến từ các hộ dân trong vùng liên kết cũng như định hướng liên kết bền vững của công ty, doanh nghiệp đã xây dựng chính sách hỗ trợ để đồng hành cùng người dân.

Theo bà Huyền, quan trọng nhất tại thời điểm hiện nay là việc xây dựng liên kết chuỗi, việc này cần có sự phối hợp từ các bên, nếu doanh nghiệp không có những động thái xây dựng các chính sách liên kết thì khó tạo được niềm tin trong dân.

Cụ thể, Công ty Vạn Hòa sẽ đầu tư cho người dân 50 triệu đồng/ha cho vùng trồng sầu riêng đã có thu hoạch, không lãi suất và giải ngân thông qua ngân hàng. Các điều khoản cam kết giữa các bên sẽ được thể hiện rõ tại bản cam kết giữa 3 bên là công ty, người nhận đầu tư và ngân hàng tham gia giải ngân. Dự kiến Công ty Vạn Hòa dành hơn 500 tỷ đồng để hỗ trợ tài chính cho các hộ dân trồng sầu riêng mà có nhu cầu.

z3986740114685_6b0d553b0f54d79c0ccfa9bc5c2ecd9e
Chính sách liên kết của công ty tốt nên được nhiều người dân quan tâm. Ảnh: Quang Yên.

“Người dân khi nhận khoản đầu tư này mặc dù không nhiều tuy nhiên cũng là một khoản đảm bảo của công ty về việc cam kết bao tiêu sản phẩm cho người dân. Về phía công ty thì cũng xây dựng được uy tín cho vùng liên kết. Từ đó các bên cùng gắn kết, chia sẻ, đoàn kết sẽ tạo nên một thị trường có sức cạnh tranh lớn trên trường quốc tế”, bà Huyền chia sẻ.

Theo nữ giám đốc, hiện nay các quy định của nước nhập khẩu ngày càng khắc khe. Do đó, người dân, HTX khi liên kết với công ty sẽ được đội ngũ kỹ thuật của doanh nghiệp tư vấn cách chăm sóc vườn cũng như xây dựng mã vùng trồng. “Muốn xuất khẩu lâu dài thì giữa doanh nghiệp và người dân đi cùng nhau, tuân thủ các quy định của nước nhập khẩu. Doanh nghiệp cam kết sẽ minh bạch trong liên kết để duy trì mối quan hệ này nhưng người dân cũng phải bắt đầu thay đổi tư duy canh tác từ bây giờ”, nữ giám đốc nói thêm.

Theo Minh Quý