Thuật ngữ “lấy 3 tai đầu” trên cây thanh long chắc hẳn không còn xa lạ gì với Bà con trồng thanh long. Kỹ thuật lấy 3 tai đầu quyết định rất lớn đến mẫu mã trái và tốc độ phát triển cũng như neo trái về sau (tai đầu – họng ngắn dễ gây hiện tượng xé (nứt) trái khi trái chín).

Tạo ba tai đầu cho trái thanh long, thực chất là kéo họng trái và giữ cho 3 tai trên cùng xanh, dài và dày bằng cách sử dụng chất điều hòa sinh trường (NAA, GA, Cytokinin,..) tác động vào từng vị trí thích hợp trên bông ứng với từng thời điểm (bẻ bông sống, bông vừa héo) và kỹ thuật phun khác nhau (phun ướt và phun khói) giúp tai đầu kéo dài, xanh, dày và  không bị héo, vàng, rụng trong quá trình sinh trưởng của trái thanh long.

Bên cạnh đó quá trình tạo 3 tai đầu còn phụ thuộc nhiều vào lực dây. Dây khỏe mới giữ được tai cứng, mỏ dài, mẫu mã đẹp. Dây yếu, suy khó tạo tai đầu đẹp, tai đầu dễ bị mõng, mềm, ngã vàng trong quá trình nuôi trái và trái chín. Rất nhiều trường hợp không nắm rõ đã sử dụng quá nhiều chất kích thích sinh trưởng dẫn đến hiện tượng: bật tai (trái bật tai khó lớn), bó trái, họng (mỏ) dài…

Kỹ thuật lấy 3 tai đầu thanh long rất quan trọng.
Kỹ thuật lấy 3 tai đầu thanh long rất quan trọng.

Giai đoạn phun dưỡng búp: Trong giai đoạn búp quý nhà vườn có thể phun dưỡng búp từ 2 – 3 lần

Giai đoạn này sử dụng những dòng dưỡng nhẹ như Amino và chất KTST ở mức nhất định không nên lạm dụng nhiều dễ gây hiện tượng bật tai. Kết hợp thuốc sâu bệnh hại (thời tiết nắng nóng nên chú ý bọ trĩ, rầy lửa,…).

Kỹ thuật phun: Phun ướt nụ và phun sương giúp búp mập và khỏe. Khi phun không nên đặt pet gần nụ (búp) có thể đọng thuốc – dư thuốc làm bật tai và bó trái về sau.

Giai đoạn phun lấy 3 tai đầu: Có thể phun từ 1 – 2 lần (tùy vào quy trình kỹ thuật mỗi vườn). Trong giai đoạn này nhiều nhà vườn thường sử dụng nhiều loại KTST để kéo tai đầu. Tuy nhiên không nên lạm dụng quá liều dễ gây nên hiện tượng bó trái, họng dài (tốn công cắt gọt).

Thời điểm phun lấy 3 tai đầu:  Bẻ bông “sống” – Phun giai đoạn trước khi búp trổ từ 2-3 ngày. Bẻ bông “chín” – Phun giai đoạn trước trổ 1 ngày hoặc sáng phun tối trổ (nhiều bà con đang áp dụng).

Kỹ thuật phun lấy 3 tai đầu (hầu như quyết định >30% kết quả):

Phun phủ búp (bông): Phun “chụp” nên phun nhanh, dễ thực hiện, ít chạm vào trái nên ít rủi ro. Tuy nhiên, nên mở pet nhỏ, phun sương và dây phải có lực mới tạo tai đầu đẹp.

Phun 2 bên búp (cổ bông): Phun nhanh – tiết kiệm thời gian phun. Phun phải đều tai, nếu phun không đều dễ sót tai đầu sẽ tạo mẫu tai không đều và đẹp. Nên mở pet nhuyễn phun sương (mở pet to dễ làm họng dài – tốn công cắt gọt và có thể gây bó trái).

Phun khoanh tròn quanh cổ búp (cổ bông): Phun hơi mất thời gian và đòi hỏi kỹ thuật phức tạp hơn. Tuy nhiên phun theo cách này thì 3 tai đầu rất đều và đẹp. Nên mở pet nhuyễn phun sương nhằm tránh hiện tượng họng dài và bó trái về sau.

Một số trường hợp thường gặp trong khi lấy 3 tai đầu:

  • Bệnh thúi nhũn tấn công họng trái, cổ bông dai, mềm khó bẻ.
  • Tai đầu dài – mềm – dễ vàng…

Những vấn đề này sẽ được trình bày kỹ hơn trong chuyên đề tiếp theo

Phòng Kỹ thuật – Công nghệ PUCKA

Hotline: 0989 812 625 (Ms Trinh)

Related Posts