Thanh long hiện là một trong những cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao, được trồng tập trung chủ yếu ở các tỉnh Bình Thuận, Tiền Giang, Long An và rải rác ở một số tỉnh khác. Tuy dễ trồng nhưng bà con nên nắm được kỹ thuật trồng và chăm sóc thanh long hiệu quả sẽ giúp vườn trồng đạt năng suất cao hơn.

I. GIAI ĐOẠN CHUẨN BỊ TRỒNG

1. Làm đất – Xử lý đất

Thanh Long không kén đất, hầu như trồng được trên tất cả các loại đất tuy nhiên thanh long không chịu úng cần phải thoát nước tốt trong mùa mưa. Đối với những vùng đất thấp phải tiến hành tạo mô cho trụ thanh long, chiều cao mô cao khoảng 40 cm so với mặt nước trong mương. Ngoài ra đất phải cày bừa kỹ, phơi đất diệt trừ cỏ dại và mầm bệnh.

2. Bón lót

Trước khi đặt hom phải đào một hố quanh trụ có đường kính khoảng 50 – 80 cm, sâu 15 – 20 cm. Sau đó trộn phân bón với lớp đất mặt có thể trộn thêm xơ dừa (đã qua xử lý) và tưới nước giữ ẩm.

Bón lót: 10 – 15 kg phân chuồng (đã hoai) hoặc 1 – 2 kg hữu cơ vi sinh + 0,5 – 1 kg Super Lân + 5g Regent/hố.

3. Mật độ và trụ trồng

Mật độ trồng khoảng 700 – 1.000 trụ/ha (3 x 3m) hoặc 1.200 – 1.300 (2,5 x 2,5m). Có thể bố trí trồng xen các loại cây ngắn ngày khác nhưng phải đảm bảo cho thanh long nhận đầy đủ ánh sáng.

Trụ có chiều cao khoảng 2m, đường kính 15 x 15cm hoặc 12 x 12cm.

4. Thời vụ

Những vùng thiếu nước thì có thể trồng vào đầu mùa mưa. Nếu chủ động nguồn nước có thể trồng quanh năm

5. Chọn hom giống

  • Chọn từ cành (dây) mẹ đã qua ít nhất một đợt mang trái
  • Hom giống có chiều dài khoảng 40 – 50 cm, mập khỏe, không sâu bệnh. Các mắt mang mầm gai tốt – nảy chồi tốt.
  • Để tăng khả năng ra rễ của hom giống (hom thường được ươm bằng xơ dừa đã qua xử lý) có thể nhúng phần gốc hom vào dung dịch chất điều tiết sinh trưởng như: NAA, IBA, IAA .
  • Để hom nơi khô ráo, thoáng mát đến khi ra rễ thì bắt đầu đem trồng

II. GIAI ĐOẠN KIẾN THIẾT CƠ BẢN

1. Xuống giống

  • Đặt từ 3 – 4 hom quanh trụ (đặt hom cạn 0 – 5 cm để tránh thối gốc do đất ẩm).
  • Đặt áp phần phẳng của hom vào mé trụ để sau này hom ra rễ và bám nhanh vào trụ. Cột hom vào trụ để gió khỏi làm lung lay lúc đầu vì rễ khí sinh chưa phát triển để bám vào cây trụ. Sau khi đặt hom, ở các vùng đất cao nếu đất khô và hết mưa thì cần tủ gốc để giữ ẩm,…

2. Tưới nước

Sau khi đặt hom tưới định kỳ 2 lần/ngày.

Cây đã bắt đầu phát triển ổn định thì tùy theo ẩm độ đất mà nhịp độ tưới thay đổi từ 3 – 7 ngày/lần.

3. Bón phân

Sau khi trồng 15 – 20 ngày (cây đã bắt đầu bén rễ) nên bón phân dưỡng rễ và cung cấp dinh dưỡng giúp cây bung tược (cành) (có thể rải nhưng nếu hòa tan phân để tưới thì cây hấp thu nhanh và tốt hơn). Giai đoạn cây bắt đầu sinh trưởng ổn định (1 – 2,5 năm): Nên bổ sung dinh dưỡng và các nguyên tố trung vi lượng giúp cây phát triển mạnh.

Giai đoạn cây dưới 1 năm tuổi :

  • Rải gốc: 20 – 30g Urea +20g  DAP + 50g Humic/gốc
  • Tưới gốc: 1kg NPK 20.20.15 + 500ml ROOTOX/200l nước. Tưới 3 – 5l/gốc (lượng phân tùy vào độ ẩm đất, nên tưới vừa đủ ẩm).

Giai đoạn từ sinh trưởng ổn định trên 1 năm tuổi:

  • Rải gốc: 100 – 200g NPK 16.16.8 + 100g Humic/gốc

→ Sử dụng định kỳ 20 – 30 ngày/lần.

  • Cắt tỉa cành

Từ mặt đất tới đỉnh trụ chỉ chọn để lại 1 cành, trong thời gian này cần chú ý cột cành sát vào trụ để rễ khí sinh của cành bám chặt vào trụ giúp cành không bị gãy khi gặp mưa, gió….

Trên đỉnh trụ, cành có thể được cắt tỉa sao cho tạo tán tròn và phân bố đều quanh trụ.

Tỉa cành giai đoạn kinh doanh:

+ Tỉa đầu: Sau thu hoạch, tỉa bỏ những cành già đã cho trái nhiều năm, những cành mọc khuất, sâu bệnh hại…

+ Tỉa lựa: Tỉa thường xuyên trong quá trình chăm sóc, những cành ốm yếu, sâu bệnh,…

III. GIAI ĐOẠN KINH DOANH

  1. Xử lý ra hoa

Cây thanh long thuộc nhóm cây ngày dài, sự ra hoa chịu ảnh hưởng của quang kỳ, cần thời gian chiếu sáng trong ngày trên 12 giờ (ngày dài) thì mới ra hoa. Vì vậy khi xử lý ra hoa thanh long thì thắp đèn (chong đèn) là biện pháp tối ưu nhất (có thể sử dụng đèn Đèn tròn 60W, Compact 20W hay Đèn cao áp 250W).

Trước khi chong đèn thì nên bón phân tạo mầm hoa, giúp cây ra hoa mạnh và đồng loạt hơn. Bón 200 – 300g DAP + 300g Super Lân + 200g Humic /gốc (liều lượng gia giảm tùy theo tuổi cây).

Số ngày chong đèn từ 15 – 20 ngày tùy theo tuổi cành, chế độ dinh dưỡng và thời tiết. Sau khi thắp đèn đủ số ngày cây bắt đầu cảm ứng ra hoa, trên các mắt gai xuất hiện nụ (hạt bắp) thì tiến hành tắt đèn và tưới nước giữ ẩm để giúp cây ra nụ nhiều và đồng loạt hơn.

2. Dưỡng búp – Lấy 3 tai đầu

Trong giai đoạn này cần tiến hành tuyển búp, chỉ giữ lại những búp tròn đều, mập khỏe. Sau đó tiến hành cung cấp dinh dưỡng dưới gốc và qua búp giúp búp mập khỏe và hỗ trợ trái phát triển mạnh về sau.

Dưỡng búp

  • Rải gốc: 100 – 200g NPK 16.16.8 + 100g Humic/trụ  định kỳ 15 – 20 ngày/lần
  • Phun dưỡng búp: 10ml EXTRAMIN 3T + 25ml Grow Map/8l nước (phun 2-3 lần đến khi bông sắp trổ).

Khi đến lứa búp sắp trổ (sáng phun – tối trổ) thì tiến hành phun lấy 3 tai đầu (kéo tai, kéo họng,..) nhằm giúp tạo được 3 tai đầu dài, đẹp và trái về sau sẽ phát triển mạnh, cân đối hơn.

Lấy 3 tai đầu:

Ruột trắng: 20ml EXTRAMIN 3T + 25ml Grow Map/16 – 20l nước

Ruột đỏ: 20ml EXTRAMIN 3T + 25ml Grow Map/8 – 12l nước

Phun lứa búp sắp trổ (sáng phun – tối trổ), phun ngay cổ búp, pet nhuyễn hơi sương.

3. Nuôi trái

Thanh long nuôi trái khoảng 28 – 30 ngày. Thời gian nuôi trái chia làm 2 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Sau rút bông trái tập trung phát triển mạnh, giai đoạn này cần cung cấp dinh dưỡng dưới gốc chủ yếu là đạm và lân. Phun qua lá những dòng kích thích như GA3, NAA… giúp trái lớn mạnh.

  • Rải gốc: 200 – 300g NPK 16.16.8 + 100g Humic/trụ
  • Phun qua trái:
  • Ruột trắng:10ml EXTRAMIN 3T + 25ml GROWMAP+ 50ml PHOSIMAX/16l
  • Ruột đỏ:10ml EXTRAMIN 3T + 25ml GROWMAP + 50ml PHOSIMAX /8 – 12l 

 Giai đoạn 2: 12 – 13 ngày sau trổ (giai đoạn bỏ lem), giai đoạn này hạn chế phun những dòng kích thích mạnh vì trái rất dễ bị lem. Nên phun những dòng dưỡng có thành phần chủ yếu là kali nhằm giúp trái lên màu đẹp hơn.

  • Rải gốc: 200 – 300g NPK 12.12.17+ 100 – 200g Kali + 100g Humic/trụ
  • Phun qua trái: 25ml FULVISTAR + 25ml GROWMAP/8l nước
    Vuốt tai: Sử dụng sản phẩm PK VUỐT TAI vuốt 2-3 lần (không cần pha thêm – không cần xả nước).

4. Quản lý sâu bệnh hại

Côn trùng gây hại: Bọ trĩ, ngâu (bọ cánh cứng), ốc, kiến,… Có thể sử dụng các loại thuốc như Basudin 10H, Regent 800WG, Confidor 100SL, Actara 25WG,…

Bệnh hại: Đốm trắng (đốm nâu, tắc kè,…), thối đầu cành, rộp cành, đốm đồng tiền,….Khi phát hiện bệnh phun thuốc như: Acrobat MZ 90/600WP, Cabriotop 600WG, Ridomil Gold và một số thuốc gốc đồng.

Phòng Kỹ thuật – Công nghệ PUCKA

Related Posts